Chuyển đổi để phát triển bền vững nhìn từ câu chuyện BiboMart

Việc thay đổi mô hình kinh doanh để bắt kịp với xu hướng số hoá và phát triển bền vững là điều mà nhiều doanh nghiệp đang tính toán.

Sau khi hoàn thành 7 chương trình hành động để vươn lên dẫn đầu thị trường sản phẩm mẹ và bé trên toàn quốc, vào năm 2017, lãnh đạo BiboMart và các nhà đầu tư cùng ngồi lại để tìm câu trả lời cho câu hỏi “điều kế tiếp là gì?”.

Họ nhận ra rằng, sự cạnh tranh trong giai đoạn mới không còn đến từ mô hình truyền thống mà đến từ chính nền tảng mới nổi, dựa vào khoa học và công nghệ cũng như năng lực sáng tạo mạnh mẽ để tạo giá trị cho cộng đồng và xã hội.

“Chúng tôi nhìn nhận rằng mọi thứ có thể thay đổi, từ mô hình kinh doanh, quan hệ kinh tế, cách làm… Công nghệ có thể dẫn dắt doanh nghiệp đến bất kỳ đâu, tuy nhiên, có một thứ bất biến chính là khách hàng”, nhà sáng lập BiboMart Trịnh Lan Phương chia sẻ trong sự kiện “Future business models – Shaping tomorrow” do Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD) và Liên minh kinh doanh Trung Quốc – Asean (CABA) đồng tổ chức nhằm chào mừng 15 năm thành lập VACD.

BiboMart xác định, tầm nhìn trong giai đoạn mới là tập trung xây dựng nền móng về công nghệ và các hệ thống dữ liệu để thấu hiểu, đáp ứng và giải quyết mong muốn khách hàng cũng như khó khăn của các đối tác. Từ một doanh nghiệp bán lẻ, Bibomart chuyển mình thành một nền tảng số, xây dựng chuỗi cung ứng “trong suốt” với khả năng mở rộng không giới hạn.

Nhờ vậy, BiboMart không xem ai là đối thủ, tất cả đều có thể trở thành đối tác. Hệ sinh thái của BiboMart không ngừng phát triển, giúp các mắt xích cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, tái cấu trúc, sẵn sàng thích ứng với những thay đổi mang tính hệ thống.

“Chúng tôi đầu tư vào những thứ bền vững, ít thay đổi và có giá trị lâu dài”, bà Phương cho biết.

Chuyển đổi để phát triển bền vững nhìn từ câu chuyện BiboMart

Bà Trịnh Lan Phương, nhà sáng lập & Chủ tịch BiboMart

Bà Trịnh Lan Phương, nhà sáng lập & Chủ tịch BiboMart

Theo quan sát của ông Ngô Đình Đức, nhà sáng lập Công ty CP Tư vấn phát triển tổ chức thực tiễn (POCD), việc đổi mới mô hình kinh doanh luôn nằm trong tính toán của các doanh nghiệp có hệ thống quản trị chuyên nghiệp, nhờ đó ứng phó tốt hơn nhiều trong Covid và là cơ hội để đột phá trong tương lai.

Ông Đức lưu ý, việc cải tiến mô hình kinh doanh và chuyển đổi số có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực lãnh đạo và văn hoá số. Cũng vì vậy mà trong giai đoạn khó khăn vừa qua, các doanh nghiệp đã bắt đầu chú trọng lọc ra những năng lực lãnh đạo quan trọng trong bối cảnh mới. Đó là năng lực sẵn sàng và tiên phong thay đổi. Đó còn là năng lực tương tác với các công cụ số.

Các doanh nghiệp cũng bắt đầu dịch chuyển cơ cấu và văn hoá tổ chức, trang bị kỹ năng cho đội ngũ cũng như truyền thông đầy đủ khi chuyển đổi cách thức làm việc, tổ chức linh hoạt hơn. Việc quản trị sự thay đổi được chú trọng.

Chủ động trên hành trình phát triển nhờ làm chủ thông tin và dữ liệu

Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cho biết, trước những thay đổi trong hành vi và thói quen của khách hàng, các doanh nghiệp cũng phải chuyển mình để thích ứng và nắm bắt cơ hội.

Người tiêu dùng tập trung hơn cho các sản phẩm thiết yếu, sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ tinh thần, sản phẩm thân thiện với môi trường… Họ cũng muốn gia tăng trải nghiệm mới lạ bằng cách mua sắm các sản phẩm mới trong danh mục và cách thức mua sắm mới thông qua các nền tảng trực tuyến.

“Những thay đổi đó diễn ra liên tục đòi hỏi doanh nghiệp phải linh hoạt, cho phép các điều chỉnh phù hợp được thực hiện. Trong quá trình đó, doanh nghiệp cần đặt khách hàng ở vị trí trung tâm”, ông Thắng nói.


Các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận về chiến lược chuyển đổi số

Có cùng quan điểm, ông Pang Ti Wee, Tổng giám đốc của RHT Digiapital (Singapore) cho rằng mặc dù việc bước ra khỏi vùng an toàn truyền thống sẽ gặp phải nhiều khó khăn và áp lực nhưng công nghệ sẽ không vì thế mà ngừng phát triển. Doanh nghiệp cần có tư duy cởi mở để tìm hiểu và đón nhận. Các nhà lãnh đạo nên tiếp xúc và tham vấn các chuyên gia để học hỏi thêm các kỹ năng, kiến thức mới.

Từ góc nhìn của một người thực chiến, Chủ tịch BiboMart cũng nhấn mạnh, chuyển đổi số chỉ là một phương cách giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu.


“Đừng xem công nghệ là thần thánh, đừng xem quản trị và khai thác dữ liệu là thứ gì đó khiến ta sợ hãi”, bà Phương nói.

Người lãnh đạo phải làm chủ được những gì xảy ra trong doanh nghiệp và biến chuyển bên ngoài thị trường để làm chủ đường đi của mình bằng cách làm chủ thông tin và dữ liệu, sẵn sàng nguồn lực ứng phó với mọi thay đổi. Chẳng cần phải đầu tư hàng triệu USD cho từng giải pháp, doanh nghiệp nhỏ cũng có thể bằng nhiều cách tập hợp và phân tích dữ liệu, làm chủ thông tin. Việc tham vấn ý kiến chuyên gia cũng là điều nên được xem trọng.


Chuyển đổi phải theo hướng bền vững

Ông Philip Ommen, nhà sáng lập Forte Hospitality Consulting (Singapore) nhận định, làm mới và tái định vị thương hiệu là điều mà các doanh nghiệp phải nghĩ đến.

Khi đó, theo Phó chủ tịch EPS Singapore Syed Mubarak, doanh nghiệp cần nghĩ về tính bền vững, trong đó nhấn mạnh các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị công ty (ESG). Đây là một bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.

“Nếu không quan tâm đến sự bền vững thì chỉ có thể có lợi ích ngắn hạn mà khó tạo được giá trị dài hạn”, ông Syed Mubarak nói trong sự kiện của VACD.

Sự thay đổi phải hai chiều, chiến lược từ lãnh đạo cần được nhân viên thấu hiểu và triển khai. Lãnh đạo cũng cần phải lắng nghe tiếng nói của nhân sự cũng chính là những người thực thi trực tiếp có thể nhìn nhận được các vấn đề/ “điểm mù” mà những người ở cấp trên khó quan sát hết. Ông Syed cho rằng, công nghệ nên là yếu tố tạo điều kiện chứ không phải thay đổi cuộc chơi.



Các nhà lãnh đạo cho rằng chuyển đổi số và phát triển bền vững là những xu hướng tất yếu

Ông Hoàng Đức Hùng, Chủ tịch Ủy ban sáng lập Viện Kiểm toán viên nội bộ Việt Nam (IIA) lưu ý, chuyển đổi là tất yếu nhưng đừng theo phong trào, cần nhìn vào nội tại doanh nghiệp để chuẩn bị sẵn sàng về con người, công nghệ và tài chính. Song song với đó là kết hợp hài hoà với các quy tắc, quy định liên quan đến ESG.

Ông Đặng Thế Đức, luật sư điều hành công ty luật Indochine Counsel cho biết, những công ty thực hiện ESG tốt có khả năng quản trị rủi ro tốt hơn, tiếp cận nguồn vốn tốt hơn, tỷ suất hoàn vốn cũng cao hơn.

Báo cáo của Tổ chức sáng kiến trái phiếu khí hậu (CBI) và ngân hàng HSBC cho thấy, Việt Nam đứng thứ hai về phát hành trái phiếu xanh ở khu vực ASEAN trong năm 2021, chỉ sau Singapore. Lượng phát hành ở mảng nợ xanh, xã hội và bền vững (GSS) của Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp năm lần so với năm 2020.

Năm ngoái, BIM Land niêm yết trên sở giao dịch chứng khoán Singapore với lãi suất hơn 7,3%, thời hạn 5 năm. Đây là trái phiếu doanh nghiệp xanh đầu tiên của Việt Nam phát hành trên thị trường quốc tế.

Tháng 12 năm ngoái, HDBank phát hành trái phiếu quốc tế tăng vốn chủ sở hữu cấp 2 cho IFC và các định chế tài chính quốc tế, khởi động các chương trình hợp tác phát triển dài hạn vì sự phát triển bền vững, tạo dựng các giá trị lâu dài cho nền kinh tế cũng như cộng đồng, xã hội. Nổi bật trong đó là việc cung ứng nguồn vốn cho vay khách hàng tiểu thương doanh nghiệp nhỏ, bao gồm doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, phát triển tín dụng xanh…

Bên cạnh ESG, từ năm 2017, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) đã ra mắt Chỉ số Phát triển bền vững Việt Nam (VNSI) gồm 20 công ty có điểm số phát triển bền vững cao nhất được niêm yết trên sàn HoSE. Những công ty sớm coi trọng chiến lược ESG như FPT, Vinamilk,… đã chứng minh được tầm quan trọng của phát triển bền vững.

“Từ trước đến nay, các doanh nghiệp việt nam thường coi việc triển khai ESG là khoản chi phí mà không phải đầu tư. Tuy nhiên, giờ đây họ cần nhìn nhận ESG là khoản đầu tư dài hạn để mang lại lợi ích cho công ty mà còn mang lại nhiều giá trị cho cổ đông và cả xã hội”, ông Đức nói.

Nguồn: Đặng Hoa- TheLeader

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *