Trong quan điểm quản trị của Chủ tịch BiboMart Trịnh Lan Phương, đằng sau người lãnh đạo là nhân viên, đằng trước người lãnh đạo là khách hàng. Muốn hướng đến đằng trước thì phải chăm lo cho đội ngũ ở phía sau, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch.
Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT BiboMart
Những ngày tháng 8/2021, tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là ở TP.HCM – đầu cầu kinh tế của cả nước. Ngày 20/8, UBND TP.HCM ra công điện khẩn thông báo tăng cường kiểm soát lưu thông và giãn cách nghiêm ngặt hơn kể từ 23/8.
Ngay hôm đó, một lá thư với 7 thông điệp rất ngắn gọn, rõ ràng từ văn phòng của vị chủ tịch BiboMart ở tầng 10 toà nhà Handico (đường Phạm Hùng, Hà Nội) nhanh chóng được gửi đến tất cả giám đốc công ty thành viên, giám đốc các khối và trưởng phòng các ban với một tinh thần khẩn trương, rốt ráo và quyết liệt.
Nổi bật trong lá thư được in đậm và tô đỏ là thông điệp được chủ tịch BiboMart Trịnh Lan Phương đặt lên hàng đầu: “Con người là CỐT LÕI của tổ chức, lấy mục tiêu CON NGƯỜI làm trọng, không dành ưu tiên cho các mục tiêu mở rộng hay phát triển. Tập trung chăm lo cho sức khoẻ và đời sống của anh chị em phía Nam”.
Hai từ “con người” và “cốt lõi” ngay lập tức đập vào mắt của bất cứ ai khi vừa nhận được lá thư.
Bức thư của Chủ tịch BiboMart Trịnh Lan Phương gửi giám đốc các công ty thành viên, giám đốc các khối và trưởng các phòng ban.
Năm đầu mục tiếp theo cũng là các vấn đề liên quan đến nhân sự. Bà Phương chỉ dành thông điệp cuối cùng để nhấn mạnh về chiến lược hoạt động của công ty là tiếp tục mục tiêu chuyển dịch từ bán lẻ truyền thống thành một nền tảng số F2C (từ nhà máy đến khách hàng). Nhân sự ở “hậu phương” dồn trọng tâm vào các dự án xây dựng nền tảng, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân sự, sẵn sàng cho bứt phá sau dịch.
Không bỏ rơi bất cứ một ai
Trong không khí làm việc khẩn trương ở văn phòng Hà Nội, bà Phương và đội ngũ vẫn từng giờ, từng phút chung nhịp đập với nhân sự ở “tiền tuyến” phía Nam và đồng cảm sâu sắc khi thông tin được gửi về liên tục.
Bà cho biết, ngay từ đợt giãn cách đầu tiên, BiboMart đã xác định mục tiêu bảo vệ đội ngũ bằng hàng rào vaccine. Chỉ trong ngày 31/7, gần 90% nhân viên ở khu vực phía Nam đã được tiêm phòng đợt một và đến nay đã có khoảng 94-95% nhân sự được tiêm.
Số còn lại chưa thể tiêm vaccine chủ yếu do vấn đề huyết áp, mang thai hoặc ở trong các khu bị phong toả. Trong thư, bà Phương nhấn mạnh với đội ngũ lãnh đạo công ty: “Phải nhanh chóng đăng ký và hỗ trợ cho số nhân sự này tiêm chủng trong thời gian sớm nhất”.
Dù đã được tiêm vaccine, BiboMart vẫn ghi nhận 24 nhân viên là F0, hơn 150 người là F1 hoặc F2, phải nghỉ làm. Vị chủ tịch công ty chỉ đạo: “Thiết lập đường dây nóng hỗ trợ cho các nhân viên F0, ngoài số điện thoại của nhân viên, phải lấy số điện thoại của người thân, người chăm sóc trực tiếp để liên lạc theo dõi sức khoẻ và hỗ trợ hàng ngày. Lập báo cáo sức khoẻ của nhân viên phía Nam, cập nhật cho ban lãnh đạo 2 lần/ngày”.
Ngay từ khi ghi nhận những trường hợp F0 đầu tiên, công ty đã có chính sách hỗ trợ, gửi giỏ quà đến tận khu cách ly và hỗ trợ toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh. Tất cả nhân sự nhiễm bệnh hoặc trong diện F1, F2 không thể đi làm đều được công ty đảm bảo 50% lương.
Vượt trên cả chính sách là sự quan tâm xuất phát từ trái tim của người làm lãnh đạo. Anh Tuấn, phụ trách truyền thông của BiboMart cho biết, hàng ngày chủ tịch đều gọi điện hỏi thăm các nhân sự F0, gọi điện cho đội ngũ nhân sự nơi “tiền tuyến” để động viên tinh thần và lan toả yêu thương.
Đội ngũ nhân sự của BiboMart không chỉ được nhận những hộp vitamin tăng cường sức khỏe
Nói về những trường hợp F0 của công ty, bà Phương kể đến từng chi tiết: “Có những buổi chúng tôi không liên hệ được với nhân viên thì phải cử người đến tận nhà. Sức khoẻ của bạn Nguyệt là quản lý khu vực bị suy giảm khá nặng do thể trạng vốn đã khá yếu, chúng tôi cũng đã đồng hành cùng chồng của bạn để theo dõi. Đến nay, tất cả 24 trường hợp F0 của công ty đã có dấu hiệu hồi phục tích cực”.
Bà Phương cũng cho biết, đội ngũ gần 500 con người của BiboMart phía Nam đang phải nỗ lực căng mình gánh vác thêm khối lượng công việc của những người phải nghỉ làm. Bà đồng cảm với sự tâm huyết của họ dành cho công ty mặc dù họ đang hàng ngày đối diện với muôn vàn nỗi lo cho chính bản thân, gia đình và những người xung quanh trong bối cảnh dịch bệnh.
Bà quyết ưu tiên bảo vệ sức khoẻ và chăm lo đời sống thể chất và tinh thần cho nhân sự thay vì tìm cách duy trì hoạt động “3 tại chỗ” để có doanh thu như nhiều doanh nghiệp khác. Cũng là người làm mẹ, làm vợ, bà thấu hiểu nỗi lo của nhân viên khi nghĩ về thực phẩm cho cả gia đình trong những ngày giãn cách, khi nghĩ về việc chẳng may nhiễm bệnh mà không có người thân bên cạnh hoặc người nhà bị ốm mà không có cơ hội chăm sóc.
Một số điểm giao hàng trực tuyến vẫn được BiboMart duy trì nhưng dựa trên tinh thần tự nguyện và xung phong của nhân sự, còn lại đều được đóng cửa. Nhân sự ở các điểm đã sớm được cung cấp vitamin tăng cường sức khoẻ, cung cấp đồ phòng hộ, áp dung các quy trình, nguyên tắc để đảm bảo an toàn trong quá trình phục vụ…
“Xét về khía cạnh doanh nghiệp, chuyện doanh số cũng quan trọng vì còn nhiều chi phí hàng ngày phải lo. Nhưng ai cũng có gia đình và đời sống riêng, mình ép cũng được, khiên cưỡng cũng được nhưng tôi nghĩ đó là điều không phải. Tổ chức còn phát triển lâu dài chứ không phải chỉ trong hai tuần”, Chủ tịch BiboMart nói.
Bên cạnh hỗ trợ cho người lao động, BiboMart còn lập Quỹ Tương thân tương ái, trao quyền cho giám đốc chi nhánh chủ động phê duyệt các khoản hỗ trợ kịp thời cho gia đình của nhân viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Đảm bảo an toàn sức khoẻ, thu nhập và công ăn việc làm cho người lao động trong và sau dịch là những điều mà ban lãnh đạo BiboMart đang nỗ lực thực hiện.
Đội ngũ nhân sự của BiboMart nỗ lực làm việc, cung cấp đủ hàng hoá thiết yếu đến khách hàng
Một trái tim nóng, một cái đầu nhạy bén và hành động dứt khoát
Lãnh đạo gửi thư cho nhân sự cấp dưới không phải là chuyện lạ. Nhưng điều đặc biệt ở đây là bức thư được gửi từ một nữ lãnh đạo mà không hề có một mỹ từ nào được sử dụng, ngược lại, đó là những gạch đầu dòng rất rõ ràng, súc tích. Thậm chí, cuối lá thư, vị nữ chủ tịch không quên kèm một dòng nhắn nhủ: “Các vấn đề khó khăn cần hỗ trợ có thể liên hệ thẳng lên tôi qua zalo/viber/FM”.
Ít ai biết, suốt bốn năm nay, vị chủ tịch của Bibo Mart còn đảm nhiệm vị trí giám đốc công nghệ của công ty. Bản thân bà cũng là một data scientist, là kiến trúc sư của nền tảng công nghệ F2C đã mang lại bước ngoặt rất lớn đối với Bibo Mart trong ba năm qua. Bà trực tiếp dẫn dắt một đội ngũ chuyên về xử lý và phân tích dữ liệu để thực hiện các dự án phần mềm.
Cũng vì vậy mà đối với bà, mọi thứ phải thật logic, đi thẳng vào trọng tâm của vấn đề. Như trong cách xây dựng nền tảng công nghệ hiện nay, tư duy của bà là tìm đường đi ngắn nhất cho sản phẩm, tối ưu hoá chi phí để gia tăng giá trị cho các bên.
Đường đi hiệu quả nhất là con đường ngắn nhất. Những thứ lòng vòng, dôi dư, chồng chéo là không cần thiết, có thể lỡ nhịp và thậm chí có thể dẫn đến hiểu lầm. Bà Phương cho rằng, trong mọi giao tiếp, chỉ cần xác định đối tượng là ai, họ cần gì và thông điệp cần truyền tải là gì.
Bỏ qua câu chuyện doanh số, lợi nhuận trong một thời điểm nhất định là một sự hy sinh rất đáng để có thể thu phục nhân tâm và lan toả sự ấm áp đến cả đại gia đình của họ.
Bà TRỊNH LAN PHƯƠNG
Chủ tịch HĐQT Bibo Mart
Tuy nhiên, sự thẳng thắn và “ngắn gọn” đó của một nhà khoa học dữ liệu không đồng nghĩa với một người lãnh đạo khô khan.
“Ở bên trong phải có một trái tim nóng, một cái đầu nhạy bén và hành động dứt khoát. Nếu cái đầu lạnh, hành động dứt khoát mà không có trái tim nóng thì sẽ bị vô cảm. Còn nếu có cả ba thứ thì ngôn từ chỉ là sự biểu đạt của chung một thứ mà cả đội ngũ đang hướng tới”, bà Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, bà cho rằng, người nữ lãnh đạo may mắn có được sự đồng cảm sâu sắc với khách hàng và nhân viên. Với bà, người lãnh đạo trước hết phải có trách nhiệm lo được cho những người đã gửi gắm cả cuộc sống, tương lai và sự nghiệp cho mình.
“Nếu không lo cho họ thì sao họ theo mình được, nếu không có họ thì mình đâu có mạnh. Mình có thể nghĩ hay nhưng đâu thể làm được hết. Sự đồng cảm và chia sẻ là điều khiến họ đến với mình không chỉ làm công ăn lương mà còn làm bằng cả trái tim. Sự ấm áp của người lãnh đạo sẽ truyền đến nhân sự, từ đó truyền đến khách hàng và cộng đồng”, bà Phương nói.
Chủ tịch BiboMart khẳng định: “Tôi nghĩ bỏ qua câu chuyện doanh số, lợi nhuận trong một thời điểm nhất định là một sự hy sinh rất đáng để có thể thu phục nhân tâm và lan toả sự ấm áp đến cả đại gia đình của họ”.
Nói về thời điểm đặt con người làm yếu tố cốt lõi cho sự phát triển của doanh nghiệp, Chủ tịch Bibo Mart cho biết, tư duy này có được từ những bước đầu gây dựng công ty. Ngay từ đầu, bà đã có tư duy lấy khách hàng làm trung tâm. Bà xác định, nếu không có nhân viên thì không thể đưa tư duy và lời khởi xướng này vào thực tế.
Doanh nghiệp muốn người lao động cống hiến hết mình thì phải tạo một môi trường nơi họ cảm thấy như một ngôi nhà, là nơi họ cảm nhận đang làm việc cho chính bản thân họ. doanh nghiệp phải có chính nghĩa, tử tế, vì cộng đồng, khách hàng và vì người lao động.
“Tôi xác định muốn đi lâu dài phải dựa vào nhân viên. Đằng sau mình là nhân viên, đằng trước mình là khách hàng. Muốn hướng đến đằng trước thì phải chăm lo cho đội ngũ ở phía sau. Đó là nguyên tắc quản trị cơ bản”, lãnh đạo BiboMart chia sẻ.
Phát triển bền vững để tự tin vượt qua mọi thử thách
Bà Trịnh Lan Phương, Chủ tịch HĐQT BiboMart
Khi được hỏi về nỗi lo của người lãnh đạo trong giai đoạn khủng hoảng như hiện nay, Chủ tịch BiboMart tự tin: “Mối lo duy nhất của tôi bây giờ là đội ngũ ngoài tiền tuyến, nếu bảo vệ được họ rồi thì không có gì để lo lắng nữa”.
Với BiboMart, con người luôn được xem là một trong ba yếu tố cốt lõi làm nên sự phát triển bền vững của tổ chức để có thể vượt qua mọi khó khăn, kể cả đại dịch Covid-19.
Quy tụ những người có tài và đức về, ban lãnh đạo BiboMart xác định phải tạo một môi trường nơi nhân tài có thể cộng hưởng để tạo các giá trị tốt đẹp cho xã hội thông qua văn hoá, tầm nhìn và sứ mệnh của công ty.
Đáng chú ý, bà Phương quan điểm, ai cũng là người tài, điều quan trọng là “ngọc muốn sáng trong phải năng giũa mài”. Người lãnh đạo phải tạo điều kiện, tạo giấc mơ đủ lớn để người tài có đất diễn và được thôi thúc phát triển. Thậm chí, lãnh đạo phải chấp nhận cả những sai lầm của nhân sự và cho họ cơ hội hoàn thiện. Chính người lãnh đạo cũng phải không ngừng nâng cấp bản thân để làm gương và thu phục đội ngũ.
Yếu tố cốt lõi thứ hai được lãnh đạo BiboMart nhấn mạnh là công nghệ bởi lẽ muốn làm lớn phải làm bằng hệ thống. Hệ thống đó phải có kiến trúc, tổng công trình sư để chỉ đạo các đội nhóm phối hợp nhịp nhàng, tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.
Cũng nhờ chú trọng chuyển đổi từ một doanh nghiệp chuyên về bán lẻ sang một doanh nghiệp công nghệ với mô hình F2C suốt hơn ba năm nay mà kế hoạch phát triển của BiboMart không hề bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bên cạnh việc kinh doanh trong một lĩnh vực thiết yếu. Thước đo cho sự hiệu quả và phát triển của BiboMart là công nghệ. Các giải pháp vẫn ra đời từng ngày đã tiếp động lực cho toàn bộ tổ chức chứ không phải là doanh số, lợi nhuận hay số lượng cửa hàng.
“Chúng tôi xây dựng cả chuỗi cung ứng từ điểm đầu đến điểm cuối, dựa trên nền tảng về dữ liệu công nghệ, tự động hoá mọi mắt xích nên chuỗi cung ứng rất mềm, nhu cầu tăng lên thì tồn kho tăng, nhu cầu giảm tồn kho giảm, kết nối các mắt xích một cách liền mạch, tối ưu và hiệu quả” bà Phương cho biết.
BiboMart dồn trọng tâm vào các dự án xây dựng nền tảng, đào tạo và nâng cao chất lượng nhân sự, sẵn sàng cho bứt phá sau dịch.
Sự chuyển dịch sang hoạt động như một hệ sinh thái kết nối các bên gồm nhà sản xuất, vận tải, kho bãi, nhà bán lẻ,… giúp BiboMart và các đơn vị trong hệ sinh thái vượt qua mọi khó khăn như đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch này còn mang lại lợi ích cho các bên trong dài hạn khi mà doanh nghiệp trở nên mềm dẻo, linh hoạt và tối ưu, mọi quyết định dựa trên thông tin, giúp tính toán để đầu tư, phân bổ nguồn lực và vận hành hiệu quả.
‘Một doanh nghiệp có nội lực và thông minh không chỉ có khả năng đối mặt với mọi thử thách mà còn cho phép mình tiến lên mạnh mẽ và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt trên thị trường vẫn còn đang loay hoay tìm hướng đi để gia tăng sức cạnh tranh trước các doanh nghiệp ngoại. Liên minh cùng nhau thì sẽ gia tăng sức mạnh tập thể để giữ được thị trường và cùng phát triển”, bà Phương nói.
Yếu tố quan trọng không kém được bà Phương nhấn mạnh khi nói về phát triển bền vững là tính chính nghĩa, sự nhân văn và tử tế của doanh nghiệp.
“Có chính nghĩa và sự tử tế để được cộng đồng và xã hội ủng hộ, có nội lực và năng lực về hệ thống công nghệ và trí tuệ của con người thì kiểu gì cũng thành công”, Chủ tịch BiboMart Trịnh Lan Phương khẳng định.